Bốn chương chia việc xâm phạm an ninh quốc gia, an ninh đặc khu thành bốn tội danh chính: Ly khai, lật đổ chính quyền, khủng bố và thông đồng với thế lực nước ngoài. Nếu bị bắt, đối tượng vi phạm có thể bị phạt tù từ ba năm đến chung thân tuỳ mức độ nghiêm trọng.
Dù vậy, South China Morning Post đánh giá phần nội dung giải thích cụ thể hành vi nào có thể cấu thành tội danh xâm phạm an ninh quốc gia còn khá rộng và mơ hồ.
Sinh viên Hong Kong biểu tình phản đối luật an ninh mới vào tháng 5-2020. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Đơn cử, luật giải thích hành vi tuyên truyền, lan rộng góc nhìn tiêu cực về chính quyền đặc khu một cách bất hợp pháp hoặc cản trở chính quyền đặc khu thi hành các chính sách, luật lệ mà có sự hướng dẫn, hỗ trợ hoặc hỗ trợ tài chính từ nước ngoài đều có thể bị xem là thông đồng với thế lực nước ngoài.
Tương tự, tiến hành kêu gọi các nước hoặc tổ chức quốc tế cấm vận hay gây khó khăn cho Hong Kong cũng bị xem là thông đồng với thế lực nước ngoài.
Trong khi đó, hành vi phá hoại phương tiện công cộng có thể cấu thành tội danh khủng bố. Đây được cho là phản ứng của đại lục trước việc người biểu tình Hong Kong vào năm ngoái nhiều lần phá hỏng các tàu điện ngầm.
Đáng chú ý, đối tượng vi phạm luật an ninh Hong Kong có thể bị dẫn độ về đại lục nếu vụ việc xuất hiện dấu hiệu "can thiệp phức tạp của nước ngoài" mà chính quyền đặc khu được đánh giá là không đủ năng lực để tự xử lý.
Ngoài ra, để hỗ trợ giải quyết những vụ mà Bắc Kinh phải trực tiếp nhúng tay như trên, một cơ quan mới sẽ được thành lập ở Hong Kong nhằm tiến hành các công tác điều tra và giữ gìn an ninh quốc gia chung. Cơ quan này cũng có quyền giữ kín thông tin về các chiến dịch đang tiến hành, không cần phải tiết lộ cho ngành Tư pháp Hong Kong thẩm định pháp lý.
Mọi cơ quan và ban ngành có liên quan ở Hong Kong bắt buộc phải hợp tác với cơ quan mới hoặc sẽ bị truy tố trách nhiệm.
Theo điều 60, các nhân viên làm việc tại cơ quan mới được quyền miễn trừ lục soát thân thể và phương tiện đi lại.
Điều 54 của luật an ninh nêu rõ cơ quan mới cùng với những cơ quan khác như Văn phòng Đặc phái viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc ở Hong Kong cần phải tăng cường kiểm soát các tổ chức phi chính phủ và đơn vị truyền thông có yếu tố nước ngoài ở đặc khu này.
Ngoài ra, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Toà án Nhân dân Tối cao Trung Quốc cũng sẽ cử đại diện sang Hong Kong làm nhiệm vụ.
Bình luận về luật an ninh mới, lãnh đạo đảng Dân sự Hong Kong - Nghị sĩ Alvin Yeung cho rằng luật trao quá nhiều quyền lực cho các cơ quan đại lục, làm ảnh hưởng đến các quyền tự do cơ bản của người dân Hong Kong.
"Bắc Kinh rõ ràng là có khả năng tự quyết định những trường hợp này thì sẽ thuộc thẩm quyền của đại lục. Họ có thể dẫn độ bất kỳ ai để tiến hành các phiên xử kín. Bắc Kinh thật đáng xấu hổ khi cứ tuyên bố đảm bảo nguyên tắc 'một quốc gia, hai chế độ' mà lại làm như vậy" - ông Yeung nói.
Nghị sĩ này còn nhấn mạnh nếu chính quyền đặc khu vẫn còn muốn giữ gìn Luật Cơ bản (văn bản được xem là Hiến pháp thu nhỏ của Hong Kong) thì nên có động thái giám sát và kiểm tra chặt chẽ việc thi hành luật ninh mới.
Vĩ Cường
Plo.vn