Vào thời điểm những phương án điều chế vaccine đang được triển khai, COVID-19 lại một lần nữa nguy cơ quay trở lại hoành hành chính những quốc gia tưởng như đang kiểm soát rất hiệu quả đại dịch này.

Nỗ lực bị phá vỡ

Giới chức y tế Hàn Quốc – quốc gia từng là hình mẫu về phòng chống dịch COVID-19 - ngày 29/6 bày tỏ quan ngại khi số ca lây nhiễm trong nước và “ngoại nhập” tiếp tục tăng với nguy cơ có thể xảy ra đợt bùng phát dịch bệnh mới vào mùa hè này. 

Theo Yonhap, tình trạng xuất hiện các ổ lây nhiễm tập thể, vốn tập trung nhiều tại thành phố Deajeon, khu vực thủ đô Seoul, vùng phụ cận gồm thành phố Incheon và tỉnh Gyeonggi, đang có xu hướng lan rộng ra những địa phương khác.  

Trên thực tế, ngay khi Hàn Quốc tuyên bố nới lỏng giãn cách xã hội vào tháng 5, số ca nhiễm mới lại tăng đột biến liên quan đến ổ dịch tại khu phố đa văn hóa Itaewon. Sau đó, một loạt các ca nhiễm trong cộng đồng tại nhà thờ, văn phòng lớn tiếp tục xuất hiện, cùng với số ca ngoại nhập tăng cao. 

Tình hình này đã đảo ngược những thành quả Hàn Quốc đạt được trong cuộc chiến chống COVID-19, vốn từng khiến quốc gia này trở thành ngôi sao sáng hồi tháng 2 vừa qua. 

Giới chức y tế Hàn Quốc cảnh báo nước này có thể mở rộng các biện pháp nghiêm ngặt hơn nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến theo hướng xấu đi. 

Trong khi đó, Australia – quốc gia được đánh giá cao về khả năng kiểm soát dịch - cũng đang đối diện với làn sóng lây nhiễm lần hai xuất hiện tại bang Victoria, khi số ca tăng nhanh liên tục trong hơn 10 ngày qua, với phần lớn là các ca lây nhiễm trong cộng đồng. 

Giáo sư Brett Sutton, Giám đốc Y tế bang Victoria cho biết, những gì đang diễn ra cho thấy, làn sóng dịch COVID-19 lần hai đã xuất hiện tại đây, với dự báo mức độ nguy hiểm không kém gì lần đầu tiên. “Điều chúng ta đang thấy là sự lây nhiễm trong cộng đồng vẫn tăng vì mọi người cố tình ra ngoài kể cả khi có triệu chứng của COVID-19”, ông nói.

Châu Âu rục rịch mở cửa trở lại vì tự tin vượt qua đỉnh dịch COVID-19. Ảnh: EPA

Hiện hữu những nguy cơ

Tại khu vực Mỹ Latinh, số người mắc bệnh COVID-19 đã tăng hơn 3 lần lên khoảng 2,5 triệu người, với một số điểm nóng đáng chú ý như: Brazil, Mexico. 

Theo Politico, COVID-19 đe dọa sức khỏe của người dân đồng thời làm lung lay nền tảng kinh tế xã hội tại khu vực vốn đã tồn tại những vấn đề đáng lo ngại từ nhiều năm nay. 

Các chuyên gia y tế đều cảnh báo tình hình thực tế ở Brazil tệ hơn nhiều báo cáo chính thức, nhưng cho đến nay, Brazil vẫn chưa có chiến lược chống dịch thống nhất do Tổng thống Jair Bolsonaro coi COVID-19 chỉ như một loại “cúm thường”. 

Quan điểm chống dịch của nhiều quốc gia cũng đang khiến COVID-19 “được đà lan rộng”, không chỉ về quy mô, mà còn về tính chất. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ Robert Redfield cho biết, đại dịch hiện tại đã khác biệt rõ rệt so với đợt bùng phát hai hoặc ba tháng trước, khi số ca tử vong chủ yếu là ở người già và người có bệnh lý nền. Hiện nay đã có nhiều người trẻ mắc COVID-19 hơn. 

The Guardian dẫn thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định, số lượng người dưới 40 tuổi nhiễm bệnh đang ngày gia tăng tại một số quốc gia như Mỹ, Israel, Bồ Đào Nha, và có thể sẽ là tác nhân dẫn đến làn sóng lây nhiễm lần 2, do sự chủ quan của những người trẻ với căn bệnh này. 

Ông Oliver Morgan, một quan chức cấp cao của WHO cho rằng, nhiều khả năng những thông điệp phòng chống dịch chưa tiếp cận nhóm người trẻ một cách hiệu quả. “Cách tiếp cận y tế công cộng cần phải phù hợp hơn với người trẻ, nhất là nhóm người dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố giáo dục, học tập và công việc”, ông nói.

Nhưng vẫn nóng lòng mở cửa

Kể từ ngày 1/7, các nước châu Âu sẽ bắt đầu mở cửa từng bước với người nước ngoài, sau ba tháng tự đóng cửa để phòng dịch. Sau một cuộc họp kéo dài tới nửa đêm 26/6, Hội đồng châu Âu đã đưa ra một danh sách các nước được EU mở cửa biên giới tạm thời, trong bối cảnh các nước Nam Âu thúc giục Ủy ban châu Âu sớm mở cửa khối Schengen để khôi phục ngành du lịch. 

Tờ Politiken của Đan Mạch viết rằng: "Nôn nóng nhất là Hy Lạp và Italia, những nước nguồn thu từ du lịch chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế quốc gia". 

Tờ Nordwest Zeitung của Đức và tờ Ouest-France của Pháp nhấn mạnh các nước có nguồn thu lớn từ tổ chức hội chợ quốc tế như Đức, Pháp cũng đang thúc giục sớm mở cửa để các doanh nhân nước ngoài có thể sớm quay lại châu Âu, nối lại ý định kinh doanh còn dang dở hay hoàn tất những hợp đồng chưa chốt được do đóng cửa biên giới.

Mặc dù vậy, Tiến sĩ Hans Henri Kluge - Giám đốc khu vực châu Âu của WHO, nhấn mạnh rằng 11 quốc gia EU đã ghi nhận “sự gia tăng đáng kể” số ca nhiễm trong thời gian gần đây. 

Ông Kluge cảnh báo hệ thống y tế sẽ bị “đẩy đến bờ vực nguy hiểm” nếu ca nhiễm tiếp tục gia tăng không kiểm soát. Tại Mỹ, ổ dịch COVID-19 lớn nhất hiện nay có thể coi là ví dụ điển hình cho cảnh báo này. 

Số ca nhiễm COVID-19 đã gia tăng tại các bang miền Nam và miền Tây nước Mỹ sau khi các doanh nghiệp được phép mở cửa lại, người dân từ các khu vực khác đổ về trong những tuần gần đây. “COVID-19 đang diễn biến quá nhanh, quá nguy hiểm ở Texas”, Thống đốc bang Greg Abbott hôm 28/6 buộc phải thốt lên. 

Lý giải về đợt gia tăng này, đài BBC dẫn lời ông Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh nhiễm quốc gia Mỹ, cho biết đó là do một số nơi “có thể đã mở cửa hơi sớm” và vì người dân không tuân theo hướng dẫn giãn cách xã hội. Hơn lúc nào hết, các quốc gia cần phải cảnh giác trong những nỗ lực mở cửa trở lại để nền kinh tế không phải “giật lùi” một lần nữa chỉ vì làn sóng COVID-19 trở lại lần thứ hai.

An Nhiên
Cand.com.vn