Heo ngoại dồn dập đổ về, giá heo trong nước hạ nhiệt

  “Theo thông tin ban đầu chúng tôi được biết, chắc chắn giá heo sống nhập về sẽ thấp hơn giá trong nước” - ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT.
 
Để giá heo trong nước hạ nhiệt, ngoài giải pháp tái đàn và nhập khẩu thịt đông lạnh, Bộ NN&PTNT đã cho phép nhập khẩu heo sống về giết mổ trong nước, phục vụ nhu cầu thịt nóng của người dân. Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn việc nhập khẩu heo sống có khả năng làm gia tăng nguy cơ dịch tả heo châu Phi tái phát trở lại. Bên cạnh đó, cho nhập heo nhưng phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi và doanh nghiệp trong nước.

Giá heo trên đà giảm

Giá heo hơi ngày 15-6 tiếp tục đà giảm của hơn một tuần qua. Tổng mức giá đã giảm trong những ngày qua lên đến hơn 10.000 đồng/kg heo hơi.

Cụ thể, giá heo hơi tại miền Bắc ngày 15-9 giảm còn khoảng 88.000-93.000 đồng/kg. Giá heo hơi tại miền Trung giảm còn 84.000-91.000 đồng/kg. Giá heo hơi tại miền Nam cũng giảm xuống còn 87.000-93.000 đồng/kg. Đơn cử như tại thủ phủ chăn nuôi heo Đồng Nai, giá heo hơi trong nhiều ngày qua đã giảm mạnh xuống còn 87.000 đồng/kg.

Đà giảm giá heo bắt đầu từ khi có thông tin nhập khẩu heo sống từ Thái Lan vào Việt Nam phục vụ nhu cầu thịt nóng của người dân. Nhiều người kỳ vọng mức giá này sẽ còn tiếp tục giảm trong thời gian tới khi heo Thái Lan ồ ạt nhập khẩu vào Việt Nam.

Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y thuộc Bộ NN&PTNT, cho biết kế hoạch nhập khẩu heo sống được triển khai từ cuối năm 2019. Khi đó, cục đã gửi nhiều văn bản cho các cơ quan liên quan của các nước như Thái Lan, Lào, Campuchia đề nghị cung cấp tài liệu cho Việt Nam về đánh giá rủi ro khi nhập khẩu heo sống. Trong số những quốc gia này, Thái Lan là nước rất quan tâm nên đã cung cấp đầy đủ hồ sơ cho Việt Nam để tổ chức đánh giá rủi ro.

“Thông qua các tài liệu mà Thái Lan gửi và qua các cuộc họp trực tuyến giữa hai bên, lấy thông tin từ Tổ chức Thú y Thế giới cũng như ghi nhận tình hình thực tế trong nhiều năm qua chúng ta đã nhập nhiều lô heo giống từ Thái Lan vào Việt Nam đều đảm bảo an toàn dịch bệnh. Cục Thú y cũng đã hoàn tất việc phân tích rủi ro nhập khẩu heo sống từ Thái Lan vào Việt Nam để giết mổ làm thực phẩm” - ông Đông cho biết thêm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, thông tin đã có rất nhiều công ty đăng ký nhập khẩu heo sống từ Thái Lan vào Việt Nam. Trong đó, có công ty đăng ký tới 100.000-200.000 con.

 

“Giá không công khai nhưng có lẽ vào khoảng 50.000 đồng/kg heo hơi. Tuy nhiên, khi về đến Việt Nam phải qua nhiều công đoạn. Riêng khâu vận chuyển phải qua ít nhất hai cửa khẩu của Lào, Campuchia” - ông Trọng nói.

Heo ngoại dồn dập đổ về, giá heo trong nước hạ nhiệt - ảnh 1
Mặc dù giá heo hơi đã giảm đáng kể nhưng giá thịt heo ngoài chợ chỉ giảm nhỏ giọt. Giá thịt heo bán lẻ ngày 15-6 dao động ở mức 150.000-250.000 đồng/kg. Ảnh: AN HIỀN

Giá heo sống nhập khẩu thấp hơn trong nước

Theo thông tin từ một số công ty, từ khi Thái Lan công bố cho phép xuất khẩu heo sống sang Việt Nam thì giá heo hơi tại nước này lại tăng lên. Ông Phạm Trần Sum, Giám đốc Công ty TNHH Dinh dưỡng quốc tế Việt Đức (Hà Nội), một trong những đơn vị nhập khẩu heo sống từ Thái Lan, cho biết chỉ trong ba ngày qua, giá heo hơi tại Thái Lan đã tăng thêm 8.000 đồng/kg, lên mức hơn 60.000 đồng/kg.

 

Ông Sum lo ngại với mức giá tăng lên như vậy, khi về đến Việt Nam phải tốn thêm nhiều chi phí kiểm dịch, bến bãi, vận chuyển, thuế, hao hụt... thì giá gốc sẽ lên tới khoảng 80.000 đồng/kg heo hơi.

Bộ NN&PTNT cho biết tổng lượng thịt heo nhập khẩu trong năm tháng đầu năm đạt hơn 67.638 tấn, tăng 298% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó nhập khẩu chủ yếu từ Canada, Đức, Ba Lan, Brazil, Mỹ, Tây Ban Nha và Nga. 

Đại diện một công ty khác hy vọng khi heo sống từ Thái được nhập khẩu về sẽ kéo giá heo hơi trong nước xuống. Nhưng dự báo heo nhập khẩu từ Thái Lan về sẽ không nhiều vì nguồn cung heo tại nước này cũng hạn chế.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nói: “Về giá cả chúng ta không thể tính thay các doanh nghiệp như giá mua, giá vận chuyển, giá hao hụt, chi phí nuôi cách ly, lấy mẫu kiểm dịch... Song chắc chắn không thể mang heo ở Thái Lan về đây bán với giá hơn 90.000 đồng/kg”.

Ông Tiến đánh giá thời gian tới giá heo sẽ còn tiếp tục xuống. Nguyên nhân là vì nguồn cung đàn heo trong nước đã đạt 24,89 triệu con, bằng 80,3% tổng đàn trước khi có dịch tả heo châu Phi. Và từ tháng 6-2020 đã bắt đầu có thịt heo tái đàn. “Bên cạnh đó, thịt heo đông lạnh nhập khẩu đã nhập được khoảng 70.000 tấn, giờ nhập thêm heo sống thì chắc chắn giá heo trong nước không thể bán với giá cao như vừa rồi” - ông Tiến nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng Tiến, có nhiều giải pháp giảm giá thịt heo gồm nhập thịt heo đã giết mổ, heo giống bố mẹ và heo sống về giết thịt. Đặc biệt, tăng đàn, tái đàn là giải pháp căn cơ nhất.

Nhiều tỉnh tái đàn, tăng đàn vượt chỉ tiêu

Theo Bộ NN&PTNT, tốc độ tái đàn heo thời gian qua vẫn diễn ra nhanh và thuận lợi với mức độ tăng bình quân trong năm tháng đầu năm 2020 đạt 5,78%/tháng. Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho hay song song với tái đàn vẫn phải duy trì công tác phòng, chống dịch bệnh qua biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

“Tính đến nay đã có tám tỉnh ngoài tái đàn còn tăng đàn, mức tăng vượt 100% như ở Bình Định, Bình Phước có mức độ tăng đàn tới 150%. Số heo ở Bình Phước đã tăng gấp rưỡi so với trước khi có dịch” - ông Trọng cho biết.

Theo ông Trọng, để đạt được kết quả như trên, các tỉnh đã có những chính sách rất tốt để hỗ trợ người dân. Ví dụ Bình Định giành 150 tỉ đồng chuyển cho ngân hàng xã hội để chuyển cho các hộ tái đàn vay không có lãi suất. Ở các tỉnh Yên Bái, Nghệ An, Thanh Hóa... hỗ trợ từ 500.000 đến 2 triệu đồng/con nái để người dân phát triển tái đàn. Bình Dương hỗ trợ người chăn nuôi 11 triệu đồng nếu nuôi 20 con heo thịt trở lên...

Với tốc độ tăng đàn và nhập giống như thời gian qua, Bộ NN&PTNT khẳng định nguồn giống năm 2020 đủ cho người dân tái đàn, tăng đàn. 

 

AN HIỀN
Plo.vn
Eaz Cafe khác

Positive SSL