Sau khi Thủ tướng cho phép xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4, nhiều doanh nghiệp lại kêu cứu vì không xuất khẩu gạo được. Lý do hải quan cho mở tờ khai lúc nửa đêm.
Xuất khẩu gạo: Nhận khai hải quan lúc nửa đêm có bất thường? - Ảnh 1.
Hàng loạt ghe, container đầy gạo nằm chờ xuất khẩu tại cảng Mỹ Thới, Long Xuyên, An Giang - Ảnh: BỬU ĐẤU
Trong khi đó, hải quan và một số doanh nghiệp logistics lại cho rằng việc bắt đầu nhận tờ khai hải quan lúc 0h là bình thường.
Chưa minh bạch?
Ngày 13-4, bà Trần Ngọc Châu - phó giám đốc Công ty TNHH Angimex-Kitoku (AKJ) - cho biết đã có công văn "cầu cứu" Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành.
Theo bà Châu, từ đầu giờ sáng chủ nhật 12-4, AKJ được báo tin hệ thống hải quan đã cho mở tờ khai xuất khẩu gạo trong vòng từ 0h30 đến khoảng 3h30 sáng 12-4 và hiện số lượng đăng ký xuất trên website của hải quan là 399.989 tấn. Điều này khiến doanh nghiệp hết sức bất ngờ và hoang mang.
Ngay lập tức, AKJ tiến hành mở các tờ khai hải quan đã khai báo sẵn (khai nháp). Tổng cộng, AKJ đang có số lượng gạo chờ xuất khoảng 892 tấn gồm 17 tờ khai đã có số tờ khai nhưng chưa được xác nhận thông quan, phân luồng.
"Điều đáng nói là chúng tôi không nhận được bất kỳ thông tin chính thức nào từ hải quan về ngày, giờ mở mạng khai báo hải quan xuất khẩu gạo trong suốt ngày 10-4, sau khi nhận được thông báo từ Văn phòng Chính phủ và Bộ Công thương. Việc cho mở tờ khai hải quan vào lúc nửa đêm như vậy là không công khai minh bạch" - bà Châu nói.
Nhiều doanh nghiệp ở ĐBSCL cũng "kêu" trở tay không kịp. Ông Nguyễn Trung Kiên - phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) - xác nhận điều này và cho hay đang yêu cầu các doanh nghiệp thành viên báo cáo việc không kịp mở tờ khai hải quan trong đợt xuất khẩu này. "Rất nhiều doanh nghiệp phản ảnh cách làm của hải quan không hợp lý", ông Kiên nói.
Theo ông Nguyễn Minh Hùng - giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang, sáng 12-4, sở được biết Tổng cục Hải quan đã mở hệ thống thông quan hàng hóa tự động để doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo đăng ký tờ khai.
Ông Hùng băn khoăn ngày 12-4 là chủ nhật và Tổng cục Hải quan cũng không công bố thời gian mở hệ thống nên phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu gạo của tỉnh không thể đăng ký tờ khai tham gia vào sản lượng 400.000 tấn gạo được xuất khẩu trong tháng 4.
Đã hết hạn ngạch 400.000 tấn gạo
Chiều 13-4, trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết doanh nghiệp đã mở đủ tờ khai xuất khẩu 400.000 tấn gạo mà Thủ tướng cho phép xuất trong tháng này.
Về việc nhiều doanh nghiệp bức xúc không gửi được tờ khai xuất khẩu gạo do cơ quan hải quan mở tiếp nhận vào lúc 0h, vị này cho biết tổng cục đã triển khai kịp thời ngay sau khi Bộ Công thương có quyết định về hạn ngạch xuất khẩu gạo (ngày 11-4) và chỉ đạo của Bộ Tài chính giao cho Tổng cục Hải quan giám sát lượng gạo xuất khẩu theo hạn ngạch được cấp.
Vị lãnh đạo Tổng cục Hải quan nhấn mạnh doanh nghiệp khai báo hoàn toàn tự động trên hệ thống. Con người không thể can thiệp vào việc này.
Với hạn ngạch xuất khẩu gạo tháng này là 400.000 tấn, vị lãnh đạo này giải thích, đơn cử doanh nghiệp đầu tiên đăng ký tờ khai xuất khẩu là 10.000 tấn thì hệ thống sẽ trừ lùi còn 390.000 tấn. Cứ thế tiếp tục cho đến khi về 0 thì hệ thống tự đóng. Lúc này doanh nghiệp không đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo được nữa.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, trường hợp doanh nghiệp xuất không đủ với số lượng gạo đã đăng ký trên tờ khai thì sau 15 ngày, tờ khai sẽ bị hủy. Lượng gạo xuất chưa đủ sẽ được hệ thống tự khôi phục và các doanh nghiệp sẽ tiếp tục mở tờ khai và xuất khẩu gạo tiếp.
Tổng cục Hải quan sẽ thông tin công khai trên website của Tổng cục Hải quan mỗi giờ một lần để các doanh nghiệp biết mở tờ khai xuất khẩu tiếp số dư gạo này.
Về việc tờ khai hải quan mở lúc 0h, một số doanh nghiệp logistics cũng cho rằng đây là điều bình thường vì hệ thống phần mềm hải quan điện tử VNACCS hoạt động 24/24 giờ, nên ngay khi quy định cho xuất khẩu gạo trở lại có hiệu lực, hệ thống sẽ mở cửa.
TP.HCM đã tiếp nhận gần 50 tờ khai
Lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Mỹ Thới, TP Long Xuyên, An Giang cho biết khi Bộ Công thương công bố hạn ngạch xuất khẩu đối với mặt hàng gạo trong tháng 4 là 400.000 tấn gạo thì tỉnh An Giang có được 100.000 tấn nhưng 95% là doanh nghiệp ngoài tỉnh.
Cục Hải quan TP.HCM cho biết tính đến cuối ngày 13-4 đã tiếp nhận khoảng 50 doanh nghiệp gửi tờ khai hải quan, trong đó có xuất khẩu gạo và tất cả chưa được thông quan. Hiện Cục Hải quan TP vẫn chưa nhận được hướng dẫn chính thức nào với xuất khẩu gạo. Khi Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan có văn bản hướng dẫn, cục sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Tuy nhiên, theo hướng dẫn sơ bộ, mặt hàng gạo xuất khẩu có mã HS 10.06 sẽ được phân luồng đỏ, kiểm tra 100% và giám sát xuyên suốt cho đến khi hàng lên tàu.
Các doanh nghiệp xuất khẩu bắt buộc phải khai báo số lượng, không được điều chỉnh tờ khai hay khai báo bổ sung, tránh trường hợp doanh nghiệp không đủ năng lực xuất khẩu gạo nhưng lại "xí" phần trước hoặc xuất không đúng số lượng đăng ký.
Cục Hải quan TP cho biết sẽ sớm lập lực lượng giám sát hoạt động xuất khẩu gạo qua các cảng của TP.
Tổng cục Hải quan ra thông cáo
Tối 13-4, Tổng cục Hải quan có thông cáo báo chí, trong đó nhấn mạnh bộ trưởng Bộ Công thương đã ban hành quyết định số 1106 công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4-2020, có hiệu lực kể từ 0h ngày 11-4-2020, trong đó quy định thương nhân đăng ký tờ khai hải quan trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước.
Tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục hải quan cho tới khi tổng số lượng đăng ký xuất khẩu của các tờ khai chạm mốc 400.000 tấn.
Tổng cục Hải quan cần có thời gian để thiết lập các chỉ tiêu thông tin trên hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan. Nên đến 24h ngày 11-4-2020, hệ thống đã được thiết lập để hoạt động.
Qua theo dõi, thống kê của Tổng cục Hải quan trong thời gian từ 24h ngày 11-4 đến 19h34 ngày 12-4-2020 đã có 40 doanh nghiệp đăng ký tờ khai xuất khẩu tại 13 chi cục hải quan; số lượng gạo đã đăng ký tờ khai xuất khẩu 399.999 tấn. Khi đủ mức 400.000 tấn, hệ thống tự động dừng tiếp nhận.
Nguồn: tuoitre.vn