Từ chuyện thanh long Việt Nam bị Thái Lan trả lại

 Nếu nông sản Việt không tự nâng cao chất lượng và được quản lý một cách bài bản thì khó tránh khỏi việc bị các nước trả lại.
 
Nhiều vấn đề liên quan đến việc mạo danh mã số vùng trồngchất lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam… đã được đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ quý III-2020 do Bộ NN&PTNT tổ chức vào ngày 6-10.

Lo không có cửa xuất khẩu

Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương cho biết Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA) Thái Lan đã ban hành các quy định điều chỉnh việc giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đối với nhập khẩu nông sản tươi có hiệu lực từ ngày 1-8-2020.

Theo đó, thực phẩm tươi nhập khẩu vào Thái Lan sẽ được phân loại thành ba nhóm dựa trên mức độ rủi ro. Cụ thể là nhóm rủi ro rất cao, nhóm rủi ro cao và nhóm rủi ro thấp.

Nhóm rủi ro rất cao được hiểu là những bên không tuân thủ các quy định của Thái Lan liên quan đến dư lượng thuốc BVTV. Gần 30 mặt hàng bao gồm cam, thanh long, lê, vải, táo, nho, quýt và chà là tươi từ 182 công ty của Trung Quốc nằm trong danh sách này.

 

Đối với hàng nông sản Việt Nam, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết: Sau khi Thái Lan ban hành tiêu chuẩn mới về dư lượng thuốc BVTV trên nông sản nhập khẩu thì một vài đơn hàng xuất khẩu thanh long của nước ta sang Thái Lan đã bị trả lại. Nguyên nhân do vi phạm quy định về dư lượng thuốc BVTV.

“Các doanh nghiệp phản ánh lại rằng trước giờ khi xuất sang Thái Lan, họ hay xuất hàng chất lượng tương đương khi xuất sang thị trường Trung Quốc. Nhưng với quy định mới thì các mặt hàng rau, quả Việt sẽ càng phải nâng cao hơn tiêu chuẩn sản xuất. Nếu cứ trồng theo kiểu tự do, phun thuốc không đúng liều lượng sẽ không có cửa xuất khẩu” - ông Nguyên nhìn nhận.

Trước thông tin này, ông Nguyễn Minh Phương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Safari chuyên xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc, lo ngại nếu Trung Quốc cũng áp dụng tiêu chuẩn như Thái Lan thì nhiều mặt hàng nông sản của nước ta sẽ điêu đứng.

Còn nhớ cách đây vài tháng, hai doanh nghiệp ở Đồng Tháp vô cớ bị cấm xuất khẩu xoài sang Trung Quốc. Nguyên nhân là mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói của hai đơn vị này đã bị doanh nghiệp khác mạo danh để xuất khẩu nhiều lần với các lô hàng vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật và nhiều nguyên nhân khác.

 

“Rõ ràng là với quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới như hiện nay, nếu nông sản Việt không tự nâng cao chất lượng và được quản lý một cách bài bản thì khó tránh những trường hợp đáng tiếc như trên” - vị lãnh đạo công ty cho hay.

Từ chuyện thanh long Việt Nam bị Thái Lan trả lại - ảnh 1
Bộ NN&PTNT cho hay đang đẩy mạnh quản lý nông sản bằng số hóa nhằm ngăn chặn mạo danh, đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong ảnh: Chuyên gia Mỹ kiểm tra trái cây Việt trước khi xuất khẩu.Ảnh: QUANG HUY

Số hóa mã số vùng trồng để tránh bị mạo danh

Trả lời câu hỏi của Pháp Luật TP.HCM về tình trạng đơn hàng xuất khẩu thanh long sang Thái Lan bị trả lại và giải pháp để không còn lặp lại tình trạng mạo danh mã số vùng trồng, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV, cho biết: Hằng năm đơn vị có phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, cơ quan an toàn thực phẩm của Bộ Y tế khảo sát và rà soát trên cả nông sản trong nước lẫn xuất khẩu.

 

“Không chỉ xuất khẩu sang Thái Lan mà vừa rồi xuất khẩu sang Campuchia, khi họ dùng test nhanh cũng phát hiện một số lô hàng vượt quá dư lượng cho phép” - ông Dương thông tin.

Tuy nhiên, đại diện Cục BVTV cho rằng trong ba năm vừa qua, tổng số lô hàng phát hiện vi phạm rất thấp so với tổng sản lượng nông sản mà Việt Nam xuất khẩu. Sau khi phát hiện các lô hàng vi phạm, cơ quan BVTV đã thực hiện truy xuất đến tận địa phương có sản phẩm đó và doanh nghiệp chịu trách nhiệm về sản phẩm này.

“Khi truy xuất, chúng tôi phát hiện tình trạng có công ty có mã số vùng trồng nhưng số lượng xuất khẩu không đủ nên mua thêm một số hàng hóa ở bên ngoài. Chúng tôi đã chấn chỉnh và hầu hết các doanh nghiệp sau đó đều tuân thủ, không tái phạm” - ông Dương cho biết.

Phó Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Quý Dương cũng cho biết đơn vị này đưa ra giải pháp số hóa mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đến cửa khẩu để kiểm tra các mã số đó khi làm thủ tục thông quan. Đơn cử như xoài, trên mã số phải thể hiện sản lượng bao nhiêu tấn, nếu xuất quá số lượng đó thì sẽ phát hiện và xử lý.

Lãnh đạo Cục BVTV cho biết thêm, kể từ năm 2019 đến nay đơn vị này đã ba lần đưa ra cảnh báo rằng thị trường Trung Quốc đang nâng dần tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Các thị trường khác như thị trường châu Âu thì ngoài yếu tố giảm thuế quan cũng cần chú ý đến chuyện họ nâng cao dần các tiêu chuẩn về hàng rào kỹ thuật.

“Chúng tôi đang phối hợp với tất cả địa phương để tổ chức liên kết sản xuất, quản lý từ việc đưa vào vật tư đầu vào, thuốc BVTV, phân bón... Trước đó chúng tôi đã triển khai mô hình này với cây cà phê và cho thấy hiệu quả rất tốt, quản lý được ngay vật tư đầu vào, thuốc BVTV, vấn đề an toàn thực phẩm” - ông Dương thông tin.

9 tháng đầu năm, nông nghiệp xuất siêu 7,2 tỉ USD

Theo Bộ NN&PTNT, chín tháng đầu năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ngoài chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 còn bị tác động của thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Mặc dù vậy, sản xuất khu vực này vẫn thể hiện được là trụ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn và đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu trong nước và xuất khẩu.

Chín tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt gần 52,8 tỉ USD. Trong đó xuất khẩu ước đạt 30,05 tỉ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019; nhập khẩu ước khoảng 22,8 tỉ USD, giảm 2,2%.

Như vậy xuất siêu khoảng 7,2 tỉ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Mỹ tiếp tục là nước chiếm thị phần lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 7,5 tỉ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ và chiếm gần 25% thị phần; tiếp đến là Trung Quốc ước đạt 7,24 tỉ USD, giảm 7,7% so với cùng kỳ và chiếm 24,1% thị phần. 

 

AN HIỀN
Báo Pháp Luật
Eaz Cafe khác

Positive SSL