Như vậy, so với tối qua, số ca tử vong tăng 4.256, số ca nhiễm tăng 77.065.
Ngoài ra, thế giới cũng có 2.149.732 bệnh nhân đã hồi phục.
COVID-19 đã thay đổi thói quen vệ sinh của thế giới
COVID-19 đã khiến thế giới thay đổi cách nhìn nhận về tầm quan trọng của việc rửa tay, bà Henrietta Fore- Giám đốc điều hành của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho biết hôm 22-5.
Một học sinh mang khẩu trang đang rửa tay khi đến trường tiểu học Taimoana trên đảo Tahiti của Polynesia thuộc Pháp. Ảnh: Suliane Favennec /AFP
"Nhận thức về việc vệ sinh đã thay đổi nhiều ở các nước phát triển và các nước đang phát triển"- bà Fore nói trong một cuộc họp ngắn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
"Chúng ta đang rửa tay thường xuyên hơn. Điều này sẽ có tác động lâu dài và hình thành thói quen tốt, dù trước đây rất nhiều nhân viên y tế khuyến cáo mọi người về điều này. Cộng đồng sẽ có thể tự giữ an toàn cho bản thân" - bà Fore nói thêm.
Mỹ đã mất hơn 95.000 người do đại dịch
Đại học Johns Hopkins ngày 22-5 báo cáo rằng Mỹ vừa có thêm 21.484 trường hợp nhiễm COVID-19 mới và 1.145 trường hợp tử vong. Như vậy, đã có 95.847 người Mỹ chết vì COVID-19, trong số 1.598.631 ca nhiễm.
Tính đến sáng 22-5, 49 hạt của 69 tiểu bang ở Mỹ đã bước qua giai đoạn vàng, (giai đoạn mở cửa) sau một thời gian dài bị phong tỏa (giai đoạn đỏ).
Đến ngày 29-5 này, sẽ có thêm 8 hạt chuyển từ giai đoạn đỏ sang vàng và 17 hạt khác chuyển từ vàng sang giai đoạn màu xanh lá (giai đoạn cuối cùng, nhiều quy tắc giãn cách xã hội được nới lỏng nhưng vẫn tuân thủ các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh).
Châu Phi có hơn 100.000 ca nhiễm
Đã có hơn 100.000 trường hợp nhiễm COVID-19 trên khắp châu Phi. Trong số này, 3.100 người đã tử vong, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hôm 22-5.
Một nhân viên y tế tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở thị trấn Tembisa, TP Johannesburg, Nam Phi. Ảnh:Themba Hadebe /AP
Tiến sĩ Matshidiso Moeti, giám đốc khu vực của WHO tại châu Phi cho biết hiện châu lục này vẫn chưa bị dịch bệnh tàn phá quá nặng nề khi số lượng người nhiễm và tử vong không quá cao so với các khu vực khác trên thế giới.
Trong một cuộc họp ngắn vào ngày 22-5, Tiến sĩ Mike Ryan- Giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO nói rằng tại châu Phi, có rất nhiều nhóm người rất dễ bị tổn thương do dịch bệnh và tác động của COVID-19 đối với các nhóm này vẫn chưa được nhìn thấy.
"Chúng tôi không biết tác động của dịch bệnh lên trẻ em thiếu dinh dưỡng sẽ như thế nào khi số trẻ nhóm này ở các trại tị nạn quá đông" - ông Ryan cho biết.
Số ca nhiễm ở Ý tiếp tục giảm
Trong một ngày qua, Ý vừa có thêm 130 người tử vong vì đại dịch, nâng tổng số người thiệt mạng lên 32.616, cơ quan này cho biết. Mức tăng 0,4% này được đánh giá là mức tăng nhẹ trong những tuần qua.
Khách du lịch đến Anh phải cách ly 14 ngày
Những người du lịch đến Anh sẽ phải tự cách ly 14 ngày bắt đầu từ ngày 8-6, ngoại trừ một số người đặc biệt có tên trong danh sách miễn trừ, Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel cho biết hôm 22-5.
Hành khách đến sân bay Heathrow ở London vào ngày 22-5. Ảnh: Tolga Akmen /AFP
Những người này sẽ được yêu cầu cung cấp địa chỉ liên lạc của họ để chính quyền địa phương theo dõi quá trình tự kiểm dịch. Nếu không tuân thủ, người được yêu cầu tự cách ly sẽ bị phạt theo quy định, bà Priti cho biết thêm.
Bà Priti nói rằng đây là biện pháp để chính phủ Anh hạn chế các ca nhiễm nhập khẩu và ngăn chặn dịch bệnh bùng phát lần nữa tại quốc gia này.
Một nhóm nhà khoa học hàng đầu của Anh đã cảnh báo sẽ không an toàn khi nước này mở cửa trường học trở lại vào ngày 1-6.
Nhóm nghiên cứu SAGE do cựu cố vấn khoa học chính phủ David King đứng đầu cho rằng việc mở cửa lại trường học phải dựa trên các yếu tố như số ca nhiễm trong cộng đồng thấp, triển khai xét nghiệm trên diện rộng và theo dõi và cách ly tốt các ca nhiễm. Tuy nhiên, không có bằng chứng cho thấy Anh đáp ứng đủ các điều kiện trên.
Trước đó, chính phủ Anh đã tuyên bố tất cả trường học sẽ được mở cửa lại từ ngày 1-6 nếu tuân thủ một số quy định phòng ngừa dịch bệnh.