Phía Tây TP.HCM: Cần nhiều dự án kết nối liên vùng

Cửa ngõ phía tây TP.HCM có tốc độ phát triển đô thị mạnh mẽ nhưng giao thông khu vực còn nhiều hạn chế, không bắt kịp đô thị hóa.

Cửa ngõ phía tây TP.HCM đang có tốc độ đô thị hóa rất nhanh. Trong khi đó, mạng lưới giao thông khu vực này chưa được mở rộng, thiếu những con đường kết nối với các tỉnh miền Tây.

Sở GTVT TP.HCM cho rằng rất cần giải pháp công trình cho khu vực này, trong đó phải có quy hoạch tổng thể mới mang lại hiệu quả cao.

Hạ tầng giao thông còn hạn chế

Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Bình Chánh (viết tắt là ban quản lý), hiện nay hạ tầng giao thông khu cửa ngõ phía tây TP còn bộc lộ nhiều vấn đề.

Điển hình, nhiều điểm thường xuyên ùn tắc giao thông như trục quốc lộ 1A (đoạn từ nút giao An Lạc đến ranh Long An), trục đường quốc lộ 50 (đoạn từ cầu giáp ranh quận 8 đến xã Đa Phước), trục đường Đinh Đức Thiện (đoạn từ quốc lộ 1A đến ranh Long An)...

Ngoài ra, nhiều đoạn đường thường xuyên ngập do mưa và triều cường như Nguyễn Hữu Trí, Vĩnh Lộc, Trần Văn Giàu, Trịnh Quang Nghị, quốc lộ 50 (đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh).

Bên cạnh đó, giao lộ đường Nguyễn Văn Linh - Quản Trọng Linh (huyện Bình Chánh) được ghi nhận là điểm đen tai nạn giao thông ở khu vực này từ nhiều năm nay.

Tại quốc lộ 1A (đoạn từ nút giao An Lạc đến giáp Long An), không chỉ thường xuyên ùn tắc giao thông mà còn hay xảy ra va quẹt do các xe di chuyển hỗn loạn.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện có một số tuyến đường dân sinh vừa xuống cấp vừa ngập nước như Phạm Văn Sáng, Nữ Dân Công, Quách Điêu...

Phía Tây TP.HCM: Cần nhiều dự án kết nối liên vùng - ảnh 1
Đường Nữ Dân Công (huyện Bình Chánh) đã được nâng cấp, sửa chữa và đang dần hoàn thiện. Ảnh: THU TRINH

Nâng cấp, mở rộng và xây mới hơn 60 công trình

Trao đổi với PV, ông Bùi Trọng Thống, Giám đốc ban quản lý, cho biết: Hiện khu vực này có nhiều xã không có đường thoát ra những trục lộ chính. Điển hình xã An Phú Tây không có đường thoát ra đường Nguyễn Văn Linh.

Ngoài ra, hai xã Vĩnh Lộc A và B có khoảng 450.000 dân nhưng giao thông cũng rất bí bách. Cụ thể, đường Vĩnh Lộc chạy dài tới Khu công nghiệp (KCN) Vĩnh Lộc rất hẹp nhưng lại là đường cụt, không có lối thoát. Cần mở rộng tuyến này ít nhất 26 m và thoát ra đường Trần Văn Giàu hoặc quốc lộ 1A mới giảm bớt tình trạng thường xuyên kẹt xe và tai nạn giao thông.

 

Ông Thống cũng cho rằng nhiều tuyến đường liên tỉnh giữa TP và Long An chưa thống nhất nên hầu như rất ít tuyến liên tỉnh, chủ yếu là cầu.

“Chúng tôi rất mong TP quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông để phát triển cửa ngõ phía tây, kết nối vùng với tỉnh Long An cũng như các khu vực khác trên địa bàn TP” - ông Thống nói.

Đối với các giải pháp hạn chế khiếm khuyết hạ tầng, ông Thống cho biết ban quản lý sẽ tăng cường năng lực giao thông đối ngoại, thông qua các dự án đầu tư mới; nâng cấp mở rộng tuyến trục kết hợp đầu tư các tuyến song hành, tuyến tránh.

Trong đó, ban quản lý tập trung đầu tư vào các nhóm tuyến kết nối. Điển hình, kết nối huyện Bình Chánh với tỉnh Long An có các dự án: Quốc lộ 1A (giáp Bến Lức), quốc lộ 50, đường Trần Văn Giàu, cầu kênh Xáng kết nối KCN Đức Hòa, đường Tây Bắc… Các tuyến kết nối với huyện Hóc Môn gồm các đường Quách Điêu, Phạm Văn Sáng, Vĩnh Lộc, Bờ Tây An Hạ, Thanh Niên…

Về kế hoạch thực hiện, ông Thống cho hay: Giai đoạn 2021-2025 đơn vị đề xuất cấp thẩm quyền cho đầu tư nâng cấp, mở rộng khoảng 30 công trình; công trình đầu tư xây dựng mới khoảng 31 công trình (tổng cộng 61 công trình). Tổng chiều dài tuyến đầu tư khoảng 86 km (bao gồm 45 km tuyến đường nâng cấp, mở rộng; 41 km tuyến xây dựng mới).

Nên xây thêm đường kết nối phía tây

Vừa rồi TP đã có những chỉ đạo để phát triển giao thông. Trong giai đoạn trước mắt, nếu không có giải pháp giải quyết bài toán giao thông thì chưa cho đầu tư một số dự án nhà cao tầng.

Hiện nay khu vực phía tây TP cũng có nhiều dự án giao thông nhưng chưa hoàn thành, cần thúc nhanh tiến độ. Đồng thời, khu vực này cần xây dựng thêm một số tuyến đường kết nối liên vùng và mở rộng thêm một số tuyến đường hiện hữu như quốc lộ 50, quốc lộ 1A (đoạn Bình Chánh giáp Long An).

Bên cạnh đó, đường kết nối từ Nguyễn Văn Linh đi vào cao tốc TP.HCM - Trung Lương hiện nay đang xuống cấp, cần có giải pháp nâng cấp, sửa chữa để đảm bảo an toàn giao thông và giảm ùn kẹt xe.

Ông LÊ HOÀNG CHÂUChủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Cần có quy hoạch tổng thể

Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết hiện nay TP đang giao Sở GTVT xây dựng đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP.

Đề án bao gồm danh mục các công trình dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2020-2030 phát triển trên cả bốn khu vực (cửa ngõ) của TP. Đặc biệt, khu vực phía tây sẽ ưu tiên nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua huyện Bình Chánh để kết nối với tỉnh Long An cũng như các tỉnh ĐBSCL.

Theo ông Bằng, khu vực Bình Chánh chủ yếu là các dự án do huyện này làm chủ đầu tư, thực hiện và phần lớn là vướng công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Song công tác GPMB thì khu vực nào cũng đều gặp khó khăn bởi có rất nhiều thứ phải giải quyết từ giá, tái định cư, cơ chế chính sách…, các khâu này đều rất là khó khăn.

Ông Bằng đánh giá khu vực huyện Bình Chánh nói riêng cũng như khu tây nói chung dân cư đang phát triển nhanh chóng nhưng hạ tầng giao thông thì chưa theo kịp.

Theo ông Bằng, các tuyến đường như Nữ Dân Công cần phải đầu tư ngay, song nhiều năm qua việc triển khai còn chậm. Nhiều tuyến đường khu vực này chưa được đầu tư hệ thống thoát nước, chưa có cầu kết nối, quy hoạch chưa bao phủ được.

“Nhiều dự án cũ và mới còn lẫn lộn, nhiều công trình nâng cấp trên con đường hiện hữu không đồng bộ nên chi phí để thực hiện tăng cao. Cần có quy hoạch tổng thể và điều chỉnh thì mới mang lại hiệu quả như mong đợi” - ông Bằng nhấn mạnh.

Ông Bằng cho biết hiện nay việc đầu tư cho các tuyến đường hiện hữu sẽ làm tăng vốn bởi chi phí GPMB là rất lớn, vì người dân thường sống bám vào hai bên đường.

“Do đó, chúng ta cần nghiên cứu mở rộng các tuyến đường ra các khu đất nông nghiệp để chi phí GPMB sẽ giảm bớt. Từ đó sẽ phát huy hiệu quả các quỹ đất dọc hai bên đường mới” - ông Bằng nhận định.

Ông Bằng cho biết thêm: Thời gian qua, Sở GTVT đã xây dựng kế hoạch, kiểm tra tiến độ các dự án trọng điểm. Theo đó, hằng tuần sở sẽ họp để kiểm tra tiến độ và đôn đốc để giải quyết các vướng mắc thuộc thẩm quyền của sở.

“Trách nhiệm của chủ đầu tư đối với các dự án là rất lớn nên cần chủ động tham mưu, đôn đốc, phối hợp với địa phương để GPMB. Đồng thời, chủ đầu tư cần theo dõi, đôn đốc tiến độ dự án từ khâu tư vấn, giám sát, theo dõi chất lượng…” - ông Bằng nói thêm.

 

Giao thông chưa đáp ứng đô thị hóa

Ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, đánh giá: Bình Chánh là địa phương có diện tích lớn nhưng mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông rất nghèo nàn, nhiều con đường xuống cấp, lầy lội. Trong 10 năm trở lại đây, hạ tầng giao thông cơ bản không đáp ứng được tốc độ đô thị hóa đang phát triển quá nhanh.

Vì vậy, huyện đã ưu tiên giải quyết cấp bách từng giai đoạn cho một số dự án nhằm đảm bảo tốt về mỹ quan đô thị, môi trường, giao thương đi lại cũng như thuận lợi cho các khu vực cụm dân cư, người dân các xã.

Phía Tây TP.HCM: Cần nhiều dự án kết nối liên vùng - ảnh 2
Đường Phạm Văn Sáng (huyện Bình Chánh) xuống cấp, lầy lội. Ảnh: THU TRINH 

Đồng thời, huyện đã và đang tiến hành thực hiện các dự án mang tính huyết mạch liên vùng các KCN và tiểu thủ công nghiệp. Đường Võ Văn Vân (gần KCN Vĩnh Lộc) là một ví dụ điển hình.

Ông Tài cho biết thêm hiện nay các dự án trọng điểm mang tính kết nối liên vùng trên địa bàn huyện gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi áp lực lớn cho ngân sách TP. Trong đó, khó khăn lớn nhất là công tác GPMB. Công tác này chiếm tỉ suất đầu tư lớn, các thủ tục pháp lý liên quan đến nhiều đơn vị nên thời gian hoàn thiện các dự án đầu tư kéo dài.

“Tuy nhiên, trong kế hoạch trung hạn 2021-2025, địa phương sẽ tập trung từng bước hoàn thiện các trục giao thông quy hoạch quan trọng mang tính đột phá giao thông trên địa bàn huyện nói riêng cũng như khu vực phía tây TP nói chung” - ông Tài nói.

7 điểm kết nối giữa TP.HCM và Long An

Sở GTVT TP.HCM cho biết đã tổ chức họp với Sở GTVT tỉnh Long An xây dựng kế hoạch rà soát kết nối giao thông giữa hai địa phương.

Nghiên cứu các dự án là rất cần thiết

Theo Sở GTVT TP.HCM, sau cuộc họp, sở đã chủ động rà soát, dự thảo báo cáo chi tiết hiện trạng, quy hoạch, phương án đề xuất đối với từng vị trí kết nối giữa hai địa phương. Đồng thời, sở cũng lấy ý kiến góp ý của Sở GTVT tỉnh Long An.

Theo đó, sẽ có bảy công trình kết nối giữa hai địa phương, gồm: Đường Nguyễn Văn Bứa, đường mở mới Tây Bắc, đường Võ Văn Kiệt nối dài, quốc lộ 50 đi qua huyện Bình Chánh, đường Lê Văn Lương và Long Hậu (huyện Nhà Bè), đường song song quốc lộ 50.

Sở GTVT TP cũng cho biết hiện nay các công trình kết nối giữa TP.HCM với Long An tại khu vực phía tây TP là rất ít. Do đó, việc nghiên cứu các dự án kết nối với Long An ở khu vực này là rất cần thiết.

Cụ thể, đường song song quốc lộ 50, huyện Bình Chánh kết nối với đường Trục Động Lực, huyện Cần Giuộc (trục kết nối này đã có quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận). Hiện cả TP.HCM và tỉnh Long An đều đang kêu gọi đầu tư dự án trong giai đoạn 2021-2025.

Theo Sở GTVT TP, đây là trục kết nối quan trọng giữa TP.HCM và hai tỉnh Long An, Tiền Giang, tạo động lực phát triển kinh tế mạnh mẽ cho các địa phương.

Vì vậy, TP.HCM và tỉnh Long An cần tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2021-2025.

Phía Tây TP.HCM: Cần nhiều dự án kết nối liên vùng - ảnh 3
Quốc lộ 1A (đoạn qua huyện Bình Chánh giáp Long An) thường xuyên kẹt xe vào giờ cao điểm. Ảnh: THU TRINH

Về đường Võ Văn Kiệt nối dài (huyện Bình Chánh) kết nối với KCN Hải Sơn - Tân Đô (huyện Đức Hòa, Long An), phía Long An đã có đường kết nối hiện hữu nên TP.HCM sẽ bổ sung quy hoạch từ vành đai 3 đến ranh Long An.

Sở GTVT hai địa phương đều đồng tình đường vành đai 3 là trục rất quan trọng mang tính chiến lược kết nối giao thông và phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.

Do đó, hai địa phương thống nhất sự cần thiết đầu tư và cấp bách thực hiện khép kín đường vành đai 3 trong giai đoạn 2021-2025.

Sở GTVT TP cho hay đã kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu các phương án đầu tư phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư, triển khai và hoàn thành dự án trong giai đoạn 2021-2025.

Tương tự, dự án nâng cấp đường Quy Đức kết nối giữa Long An và TP.HCM đã được UBND huyện Bình Chánh duyệt với quy mô mở rộng 9 m. Trong khi tỉnh Long An vẫn đang kêu gọi đầu tư dự án này trong giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, Sở GTVT TP.HCM đề nghị tỉnh Long An xem xét đầu tư đảm bảo kết nối giao thông đồng bộ với quy mô TP.HCM đã đầu tư.

Tại khu vực Bình Chánh - Bến Lức (Long An) có dự án kết nối là đường Mai Bá Hương (Thanh Niên). UBND huyện Bình Chánh đã phê duyệt dự án xây dựng đường này nối từ cầu Kênh Xáng Ngang đến ranh Long An rộng 9 m và dự án xây dựng cầu Bà Lạt để kết nối đường Lương Hòa (huyện Bình Chánh).

Về phía tỉnh Long An, các đơn vị đang kêu gọi đầu tư trong giai đoạn 2021-2025.

Ưu tiên các dự án cấp thiết

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An, cho biết thực trạng giao thông kết nối như hiện nay là chưa thể đáp ứng được nhu cầu phát triển giữa Long An và TP.HCM.

Trước thực trạng giao thông như hiện nay, cần có các công trình giao thông kết nối nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông cũng như giao thông được thông suốt giữa TP.HCM và Long An. Từ đó, tạo điều kiện cho việc lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội cho cả hai địa phương.

Ngoài ra, theo ông Trung, việc đầu tư hàng loạt công trình kết nối giữa TP.HCM và Long An sẽ góp phần tăng khả năng thông xe và thu hút các nhà đầu tư về cho cả hai địa phương.

Do vậy, Sở GTVT tỉnh Long An sẽ mở rộng các tuyến đường có sẵn cũng như mở các tuyến đường kết nối giữa TP.HCM và 
Long An.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là nguồn vốn và công tác giải phóng mặt bằng vì giá đất hiện nay đang rất cao. Sở GTVT tỉnh Long An sẽ cân nhắc, phân bổ nguồn lực để ưu tiên các dự án cấp thiết. Trong đó, có bảy dự án cấp thiết cần ưu tiên đầu tư mà Sở GTVT tỉnh Long An và TP.HCM đã thống nhất.

ĐÀO TRANG

 

N.CHÂU - T.TRINH - Đ.TRANG
Plo.vn
Eaz Cafe khác

Positive SSL