Một số chuyên gia cho rằng thay vì "mua ở đâu, bán ở đó" và chịu lỗ, người có vàng nữ trang nên tìm hiểu và bán cho các cửa hàng khác theo giá thị trường để tránh bị thiệt hại, nhất là trong bối cảnh giá vàng tăng cao như hiện nay.
Mua lại theo giá trên hóa đơn?
Phản ảnh đến Tuổi Trẻ, chị T.H. (quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết có mua một bộ nữ trang vàng 18K gồm 4 món (lắc, bông tai, dây chuyền, mặt dây chuyền) của một thương hiệu nữ trang nổi tiếng vào năm 2019 với số tiền 19,62 triệu đồng. Do thấy giá vàng tăng cao, chị quyết định đem chiếc lắc (có giá hơn 6,9 triệu đồng) đi bán và rất bất ngờ khi được cửa hàng của công ty này thông báo chỉ mua với giá bằng 70% giá trên hóa đơn.
Cũng theo cửa hàng vàng, cam kết này đã được ghi rõ ở mặt sau hóa đơn. Với mức giá cửa hàng đưa ra, chị bán chiếc lắc chưa được 4,9 triệu đồng, lỗ 2 triệu đồng. Nếu bán cả 4 món nữ trang này, chị lỗ hơn 5,88 triệu đồng. "Tôi kiểm tra hóa đơn, thấy đúng là có ghi như vậy. Nhưng tôi có cảm tưởng như mình bị lừa vì khi mua vàng cứ nghĩ sẽ có lời khi giá vàng tăng, chứ có ngờ vàng lên cũng bị lỗ đâu" - chị H. bức xúc.
Theo chị H., với giá mua do cửa hàng vàng đưa ra, chị chịu lỗ 30% nhưng nếu so với giá vàng hiện nay, mức lỗ còn cao hơn rất nhiều, trong khi phía cửa hàng khẳng định đây là cách tính "có lợi" cho khách khi giá vàng giảm! Sau khi chị H. khiếu nại, công ty này mới chấp nhận mua lại 4 món nữ trang này với "giá thị trường" là gần 17,3 triệu đồng. "Dù vẫn bị lỗ hơn 2,3 triệu đồng, nhưng tôi quyết định bán cả 4 món nữ trang đã mua vì càng giữ lâu càng thiệt" - chị H. nói.
Người mua có bị ép giá?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia Trần Thanh Hải cho biết chỉ có vàng nữ trang 3 số 9 hoặc 4 số 9 mới được các công ty mua lại theo giá thị trường, sau khi đã trừ tiền công. Với nữ trang gắn đá, đặc biệt với vàng 18K trở xuống, chỉ được các công ty thu lại theo phần trăm giá trên hóa đơn. Bởi tuổi vàng càng thấp, tạp chất càng nhiều. Chẳng hạn, với vàng 18K, thường gọi là vàng bảy tuổi rưỡi, độ pha trộn tạp chất là 25%.
Với nữ trang gắn đá, các tiệm vàng còn phải phá bỏ sản phẩm để lấy vàng, hao hụt lớn hơn. "Một thương hiệu vàng nước ngoài có chi nhánh tại VN cũng vừa ra quy định chỉ mua lại bằng 50% giá bán cho nữ trang 18K có gắn đá với điều kiện còn hóa đơn" - ông Hải nói. Đồng thời cho rằng trong thời điểm giá vàng tăng cao như hiện nay, khách hàng khó tránh khỏi cảm giác bị thiệt do chỉ được mua lại theo tỉ lệ giá cam kết trên hóa đơn, thay vì theo giá thị trường.
Giám đốc một công ty vàng cũng cho rằng xét về lý, công ty vàng không sai vì đã ghi rõ ở mặt sau hóa đơn nhưng khó tránh khỏi chuyện khách hàng bị sốc khi phải bán lỗ vàng nữ trang, dù giá vàng tăng thẳng đứng suốt thời gian qua. Để tránh bị thiệt hại trong thời điểm giá vàng tăng cao, vị này cho rằng khách hàng có thể tìm đến những tiệm vàng khác để bán vàng nữ trang theo giá thị trường, thay vì mua đâu bán đó.
Giá vàng trong nước dưới 57 triệu đồng/lượng
Cuối ngày 19-8, giá vàng thế giới tiếp tục giảm về mức 1.987 USD/ounce (tương đương 55,74 triệu đồng/lượng quy đổi). Tại thị trường trong nước, giá bán vàng miếng SJC cũng giảm 1,2 triệu đồng/lượng so với ngày trước đó, chỉ còn 56,95 triệu đồng/lượng, cao hơn 1,21 triệu đồng/lượng so với vàng thế giới.
Tại các công ty vàng khác, giá bán vàng miếng còn xuống thấp hơn, dao động ở mức 56,6 triệu đồng/lượng. Do lực mua yếu, các công ty vàng không còn niêm yết giá mua cao hơn giá vàng thế giới quy đổi như đợt biến động giá trước. Một số tiệm vàng khác giá thu mua ngang bằng hoặc cao hơn khoảng 100.000 đồng/lượng so với giá vàng thế giới.