Lao động mất việc ở Bình Dương vẫn tăng cao

7 tháng qua, tình hình sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương vẫn gặp khó khăn, do ít đơn hàng nên buộc phải cắt giảm số lượng lớn lao động. Từ thực tế đó, chính quyền tỉnh Bình Dương đang nỗ lực kết nối, giới thiệu việc làm cho người lao động.

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, 7 tháng qua, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của chiến tranh, lạm phát.

Đặc biệt, hai thị trường lớn là châu Âu, Hoa Kỳ tiếp tục "đóng băng", số lượng đơn hàng của các doanh nghiệp bị sụt giảm từ 40-50% trở lên so với cùng kỳ. Các ngành nghề bị nhiều ảnh hưởng nhiều nhất là chế biến gỗ, dệt may, giày da…

Để duy trì hoạt động, nhiều doanh nghiệp phải giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động, thỏa thuận cho thôi việc, chấm dứt hợp đồng lao động… Theo đó, 7 tháng qua, có hơn 92.700 lao động ở Bình Dương bị ảnh hưởng, dẫn đến thu nhập giảm, mất thu nhập. Nhóm lao động ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bị ảnh hưởng nhiều nhất với 62%, còn lại là doanh nghiệp vốn trong nước.

Để hỗ trợ người lao động, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường tổ chức tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động. Tính đến ngày 1/7, đã có 55.000 người lao động được giải quyết bảo hiểm thất nghiệp (tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2022).

Trung tâm cũng tăng cường thu thập thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp để kịp thời kết nối và đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 57.000 người.

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, qua khảo sát, những tháng cuối năm 2023, tình hình sản xuất của doanh nghiệp chưa có dấu hiệu khởi sắc.

Doanh nghiệp khó khăn, cắt giảm lao động, nguy cơ cao dễ phát sinh tranh chấp, do đó Sở đang tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình lao động, việc làm không để xảy ra tranh chấp lao động tập thể kéo dài, lan rộng.

Ông Phạm Văn Tuyên nói thêm: "Chúng tôi tiếp tục thực hiện việc kết nối cung cầu lao động đảm bảo điều tiết nơi cắt giảm đến nơi còn nhu cầu tuyển dụng; tiếp tục giải quyết bảo hiểm thất nghiệp cho kịp thời. Đặc biệt là tăng cường đào tạo nghề thông qua các biện pháp như tuyển sinh, đào tạo gắn với doanh nghiệp, cũng như giải quyết việc làm sau đào tạo".

Thiên Lý/VOV-TP.HCM

Thế Giới Quanh Ta khác

Positive SSL