Khí phách Nam Bộ kháng chiến phải được kế tục, tiếp nối xứng đáng

 

'Đêm 22, rạng sáng 23-9-1945, quân Pháp bắt đầu chiếm lại các cơ sở trọng yếu tại Sài Gòn. Mặc dù lúc đầu có ý kiến cần chờ chỉ thị trung ương nhưng chống giặc như chống lửa. Không thể chờ đợi, cuộc kháng chiến đã bắt đầu'.

Khí phách Nam Bộ kháng chiến phải được kế tục, tiếp nối xứng đáng - Ảnh 1.
 

Cán bộ lão thành CLB Truyền thống kháng chiến TP.HCM trò chuyện bên lề buổi họp mặt kỷ niệm 75 năm ngày Nam Bộ kháng chiến - Ảnh: TỰ TRUNG

Phát huy khí phách Nam Bộ kháng chiến làm động lực tinh thần, chúng ta hứa với nước, với dân nhất định cùng nhau đảm đương một cách sáng tạo, đầy nhiệt huyết trách nhiệm của mình đối với hiện tại và tương lai của Tổ quốc.

Ông Nguyễn Trọng Xuất (phó chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến Sài Gòn - Gia Định)

"Một thành phố trẻ măng

Nhưng lịch sử rất lạ lùng

Từ thuở chào đời suốt mấy trăm năm

Chỉ sống tự do có

hai mươi chín ngày ngắn ngủi

Chưa thỏa niềm vui

Giặc đã đến rồi

Súng lại cầm tay

Đạn nói thay lời..."

Những câu thơ khắc họa bước ngoặt của Sài Gòn ngày 23-9-1945 của nhà thơ Hưởng Triều (tức nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng) được "những người kháng chiến" nay da mồi tóc bạc ngân nga khe khẽ khi dạo bước trên công viên Lam Sơn (TP.HCM), lướt qua những bức ảnh lịch sử đang được triển lãm sáng 22-9-2020.

Ảnh hàng ngàn người dân trên đường Norodom (Lê Duẩn ngày nay) dự Lễ Độc lập ngày 2-9-1945. Ở đây, Bí thư xứ ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban hành chánh lâm thời Nam Bộ Trần Văn Giàu kêu gọi "Cương quyết chống mọi sự xâm lăng", "Hãy sẵn sàng chiến đấu" và phía dưới là hàng ngàn cánh tay giơ lên "Độc lập hay là chết".

Ảnh những hàng rào chướng ngại vật được dựng trước chợ Bến Thành, trên cầu Thị Nghè, bùng binh Chợ Lớn để làm thành lũy chiến đấu.

Ảnh Sài Gòn xinh đẹp hoa lệ bỗng hoang tàn tăm tối thực hiện "tiêu thổ kháng chiến" trước bước chân tái chiếm của quân Pháp...

Ngày 23-9 của 75 năm trước như tái hiện.

Không thể chờ đợi

Ông Nguyễn Trọng Xuất, phó chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến Sài Gòn - Gia Định, ôn lại với những người trẻ hôm nay cái đêm hôm ấy: "Đêm 22, rạng sáng 23-9-1945, quân Pháp bắt đầu chiếm lại các cơ sở trọng yếu tại Sài Gòn. Mặc dù lúc đầu có ý kiến cần chờ chỉ thị trung ương nhưng chống giặc như chống lửa. Không thể chờ đợi, cuộc kháng chiến đã bắt đầu".

Sau này ông Dương Quang Đông đã kể chuyện về phát súng mở màn Nam Bộ kháng chiến: "21h đêm 22-9-1945, anh em gác chạy vào báo là lính Nhật gác vòng ngoài đã rút hết, tôi biết bọn Pháp sẽ đến đánh chiếm dinh Xã Tây (nay là UBND TP.HCM - PV). Đầu óc tôi căng thẳng, lòng rối như tơ vò vì chưa biết ý kiến của xứ ủy về vấn đề "đánh hay không?".

Lệnh của xứ ủy là tôi phải ở lại bảo vệ dinh Xã Tây đến phút cuối cùng. Tôi tự hỏi giờ phút ấy đã tới rồi chăng? Nếu chúng đến chiếm mà bỏ chạy thì nhục này biết rửa mấy sông? Nếu đánh thì phải chăng chính tôi là người gây ra chiến tranh, không khí trong nhân dân đã ở mức không thể kiềm chế nữa. 22h đêm, Pháp đổ quân trước dinh, có cả xe bọc thép.

Anh em đòi đánh ngay không thể chờ đợi. Tôi nói lớn "Không ai được nổ súng, phải chờ lệnh của tôi". Càng nói lớn mình càng bối rối. Tây tràn tới. Tôi giật cây súng ở một anh đứng gần tôi nhất, nhắm thẳng bóp cò. Tức thì tiếng súng nổ rộ lên... Bên ngoài, nhân dân vui mừng la vang dội: Dinh Xã Tây đã nổ súng, dinh Xã Tây đã đánh, mình đánh đi anh em...".

Kháng chiến đã bắt đầu như thế. Những chàng trai Nam Bộ 17, 18 tuổi như ông Võ Anh Tuấn (cựu đại sứ VN tại Liên Hiệp Quốc), ông Tư Cang (đại tá, Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Tàu) chưa kịp rời Trường Petrus Ký đã cầm cây tầm vông vạt nhọn đi thẳng vào cuộc kháng chiến. 

Hôm nay nhắc lại ngày ấy, ông Võ Anh Tuấn cười: "Giấc mơ thành thầy thông, thầy ký của tôi đã đảo lộn từ ngày cùng hàng ngàn thanh niên tiền phong tuyên thệ ở vườn Ông Thượng (tức công viên Tao Đàn - PV). Đến 23-9 thì chỉ có một con đường chiến đấu vì độc lập mở rộng trước mặt". Ông Tư Cang thì bảo: "Là thanh niên thời loạn, không đi cùng anh em bảo vệ đất nước thì còn đi đâu?".

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong hôm nay nhắc lại lời của chủ tịch ủy ban kháng chiến Nam Bộ ngày ấy: "Độc lập tự do hay là chết! Hôm nay, ủy ban kháng chiến kêu gọi: Tất cả đồng bào già trẻ gái trai hãy cầm vũ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược...".

Mỗi người thành một chiến sĩ và Sài Gòn đi vào những ngày tháng kỳ lạ: không điện, không nước, chợ không họp, trường lớp không dạy không học, giao thông đình trệ... Cuộc kháng chiến bắt đầu từ Sài Gòn đã nhanh chóng được cả nước hưởng ứng, ủng hộ, đồng hành, dù gian khổ, dù hi sinh, mất mát.

Lời xưa, người nay

Sài Gòn - TP.HCM hôm nay đã lại rực rỡ đèn hoa, đường phố tấp nập, các hoạt động kinh tế - xã hội sôi động. Đêm tối của chiến tranh đã lùi xa lắm nhưng những kinh nghiệm mà lịch sử đã để lại thì vẫn tươi hồng cho các thế hệ sau. 

Ông Nguyễn Trọng Xuất trầm giọng tâm tình: "75 năm, điều mà những người cán bộ kháng chiến cũ ước mong trao đổi với các thế hệ nối tiếp là: Phát huy khí phách Nam Bộ kháng chiến làm động lực tinh thần, chúng ta hứa với nước, với dân nhất định cùng nhau đảm đương một cách sáng tạo, đầy nhiệt huyết trách nhiệm của mình đối với hiện tại và tương lai của Tổ quốc. Những bài học đúng đắn của quá khứ luôn soi sáng hành trình hiện tại và tương lai".

Ông Nguyễn Thành Phong tâm đắc nhắc lại những bài học ấy: "Đoàn kết - trên dưới một lòng - tất cả các tầng lớp nhân dân, giữ gìn độc lập, giành lại tự do, hòa bình, thống nhất. Sự nghiệp vẻ vang ấy phải được kế tục, tiếp nối xứng đáng".

Những ngày hòa bình, TP.HCM cũng vẫn "không thể chờ đợi", đã tiên phong đi đầu trong công cuộc đổi mới kinh tế, xã hội, làm đầu tàu, làm trung tâm kinh tế - xã hội quan trọng nhất nước, đến nay đã gần 35 năm. 

Tự hào lược qua những thành quả của thành phố, ông Phong cũng không quên nhắc đến những điều còn khiến người dân chưa hài lòng, còn bức xúc: những tiêu cực trong quản lý đất đai, ngân sách; những đơn thư khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng; khoảng cách giàu nghèo bị kéo giãn...

Tinh thần của Nam Bộ kháng chiến và lý tưởng "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc" của 75 năm trước vẫn sáng ngời phía trước, chờ những bước chân tiên phong "nào anh em ta, cùng nhau xông pha" hôm nay.

Đại diện cho thanh niên thành phố, lực lượng nòng cốt của cuộc cách mạng năm xưa, chị Phan Thị Thanh Phương - bí thư Thành đoàn TP.HCM - cam kết: "Tuổi trẻ rất tự hào với lịch sử và sự phát triển của thành phố. Điều này thôi thúc đoàn viên thanh niên hăng hái, xung phong trong mọi công việc, mong muốn được tham gia nhiều hơn vào các nhiệm vụ khó, cấp bách của thành phố. Thanh niên thành phố nỗ lực rèn luyện bản thân với những giá trị: yêu nước, khát vọng, đạo đức, trách nhiệm, tri thức, sáng tạo, năng động, văn minh".

75 năm trước, hàng vạn thanh niên đã tuyên cáo giữa Sài Gòn: "Cuộc phục hưng của dân Việt Nam sau này thành hay bại là do nơi thanh niên. Muốn làm tròn sứ mạng ấy, thanh niên phải có tinh thần mới, tức là tinh thần thiết thực, khoa học, luôn luôn tìm hiểu để vươn lên cao. Chúng ta hãy cúi đầu trước bóng người xưa mà nhận lãnh từ nay một sứ mạng chiến đấu để khỏi thẹn với non sông, cùng mạnh bước tiến trên đường xán lạn".

Lời xưa và người nay gặp nhau là vậy.
Phạm Vũ-Tuoitre.vn

Eaz Cafe khác

Positive SSL