Đa phần những người vay tiền qua các app trên điện thoại là những người nghèo. Trước khi tự đưa mình vào bi kịch vì vay tiền qua các app với lãi suất khủng, bị đe dọa, bêu riếu, tan cửa nát nhà thì họ đã nợ nần chồng chất, hết đường “gỡ”.
Trong cơn nguy cấp, những app cho vay tiền nhanh, thủ tục đơn giản, không thế chấp phút chốc trở thành “cứu tinh” của họ. Tuy nhiên, những người vay tiền qua app không biết rằng họ đã rơi vào bẫy. Từ một số tiền nhỏ để trả tiền cho app này, họ phải vay tiền qua app khác dẫn đến việc số tiền nợ ban đầu chỉ vài triệu đồng, qua thời gian, con số nợ lên đến hàng trăm triệu đồng. Với lãi suất 3%/ngày, 90%/tháng và hơn 1.000%/năm, các con nợ tự đưa mình vào vòng luẩn quẩn không lối thoát...
Với chiêu trò cho vay nhanh, không thế chấp, lãi suất thấp, nhiều người đã rơi vào bẫy của các nhóm tín dụng đen. |
Tín dụng đen thời hiện đại
Phải mất một thời gian dài theo dõi, thu thập chứng cứ, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hồ Chí Minh mới triệt phá được đường dây cho vay nặng lãi qua các app vay tiền do những đối tượng người Trung Quốc cầm đầu. Có 5 đối tượng bị khởi tố gồm Tu Long (SN 1992), Yuan Deng Hui (SN 1991, quốc tịch Trung Quốc), Chề Ngọc Trinh (SN 1995, quê Đồng Nai), Lâm Cảm Quyền (SN 1990, ngụ quận 5) và Lài Thế Hùng (SN 1994, ngụ quận Bình Tân).
Trước đó năm 2019, Phòng Cảnh sát hình sự phát hiện Công ty Vinfin, Công ty Beta, Công ty Đại Phát (đóng trên địa bàn quận Bình Tân) do một người phụ nữ Trung Quốc tên Niu Li Li (chưa rõ lai lịch) và Jiang Miao (SN 1980, quốc tịch Trung Quốc) làm chủ nhưng thuê người đang ở TP Hồ Chí Minh đứng tên giấy phép kinh doanh. Với danh nghĩa là công ty nhưng núp bóng phía sau là một tổ chức kinh doanh dịch vụ cho vay tiền nhanh thông qua các ứng dụng (app) trên điện thoại như "Vaytocdo", "Moreloan" và "VD online" với lãi suất rất cao.
Trong một lần kiểm tra hành chính, Phòng Cảnh sát hình sự phát hiện các công ty này có hàng chục nhân viên chia ra làm nhiều bộ phận như quản lý, phiên dịch, xét duyệt hồ sơ, thu hồi nợ. Từ các vật chứng thu thập được cho thấy, thông qua các app, người vay phải trả lãi lên đến 3%/ngày, 90%/tháng và 1.095%/năm.
Để vận hành đường dây này, các đối tượng người Trung Quốc thuê Tu Long và Yuan Dang Hui làm quản lý với mức lương 35 triệu đồng/tháng. Tu Long và Yuan Dang Hui có trách nhiệm quản lý nhân viên thẩm định hồ sơ và nhắc nợ, đòi nợ. Chề Ngọc Trinh được thuê làm kế toán kiêm phiên dịch với mức lương 15 triệu đồng/tháng.
Một trong những cách quản lý người vay của các đối tượng cho vay qua app. |
Lài Thế Hùng và Lâm Cẩm Quyền được thuê với mức lương 10 triệu đồng/tháng để làm phiên dịch riêng cho Tu Long và Yuan Deng Hui, kiêm thêm công việc thẩm duyệt hồ sơ cho vay và quản lý danh sách người vay đến hạn thanh toán để giao cho bộ phận nhắc, đòi nợ. Khoảng 40 nhân viên khác được thuê chỉ làm một nhiệm vụ duy nhất là... chửi mắng, đe dọa người vay qua điện thoại.
Thông qua các app được đan xen quảng cáo trên các trang mạng xã hội, các đối tượng để số điện thoại cho người vay tự liên hệ. Khi khách hàng có nhu cầu, các đối tượng yêu cầu người vay cung cấp CMND, hình ảnh, số tài khoản ngân hàng, yêu cầu được truy cập vào danh bạ điện thoại của người vay. Bằng cách này, khi người vay chậm trả tiền, các đối tượng có số liên lạc của người thân, bạn bè người vay để đòi nợ.
Chính vì điều này mà kẻ cho vay nắm được các số điện thoại của người thân, bạn bè, đồng nghiệp của người vay để sau này nhân viên gọi đòi nợ. Tùy theo từng app mà mức vay có thể dao động dưới 2 triệu cho đến gần 3 triệu đồng. Khi vay 1,7 triệu đồng, người vay chỉ có thể nhận được số tiền 1,42 triệu đồng (số tiền bị cấn trừ được các đối tượng gọi là chi phí vay).
Nhận tiền xong, 8 ngày sau người vay phải trả hơn 2 triệu đồng. Khi người vay trả chậm, số tiền phạt một ngày trả chậm là 102 ngàn đồng. Với số tiền lãi liên tục tăng, người vay không đủ khả năng chi trả, các đối tượng lại đưa ra một app khác để nạn nhân tiếp tục vay. Và từ số tiền vay chưa đến 2 triệu đồng, các đối tượng đã đưa các nạn nhân “xoay vòng” trả nợ qua nhiều app vay tiền, con số nợ của các nạn nhân lên đến hàng chục cho đến hàng trăm triệu đồng.
Theo một cán bộ điều tra, qua nhiều tháng hoạt động, đường dây cho vay qua app này có khoảng 60 ngàn khách hàng, số tiền mà các khách hàng vay và nợ các đối tượng lên đến cả trăm tỷ đồng.
Một hình thức cho vay nặng lãi phối kết hợp giữa công nghệ và các đối tượng xã hội đen với lãi suất khủng, lãi suất “trời ơi” nhưng vẫn có hàng chục, hàng trăm ngàn người đã sử dụng các app vay tiền nhanh này để rồi ôm lấy bi kịch do chính mình gây ra. Nhiều người vay tiền cho hay, lúc túng quẫn, khi được quảng cáo cho vay tiền nhanh, họ như vớ được cái phao khi đang chấp chới đuối nước nên chẳng cần nhìn lãi suất, chẳng cần tìm hiểu, chẳng cần đọc thông tin cảnh báo từ báo đài hay cơ quan điều tra mà nhắm mắt vay.
Bi kịch từ ứng dụng điện thoại
Chị L.T.L. (nhà Bình Tân) vẫn phải khổ sở bán gánh bún bò nhỏ để có tiền trả nợ hằng ngày cho dịch vụ vay qua app. Buôn bán ế ẩm, tiền nhà trọ, tiền đóng học cho con, rồi tiền thuốc thang cho mẹ, chị L. cứ xoay như chong chóng nhưng chẳng thể nào kham nổi. Một lần, thấy có đường link trên Facebook giới thiệu cho vay tiền qua app với thủ tục nhanh gọn, không cần thế chấp, chị nhấn vào đường link trên vay 5 triệu đồng.
Chị làm theo những yêu cầu mà app vay tiền này đặt ra trong đó có việc chụp khuôn mặt, CMND, cho phép truy cập vào danh bạ điện thoại, Facebook. Chỉ chưa đầy 10 phút làm các thao tác, chị L. đã nhận được số tiền 3 triệu đồng trong tài khoản. Quy định 7 ngày phải trả đủ cả vốn lẫn lãi, đến ngày thứ 8 điện thoại của chị L. liên tục nhận được số máy lạ yêu cầu trả tiền.
Ngoài việc đòi nợ, những người cho vay còn gởi các đường link của các app vay tiền khác và kêu chị L. vay để trả nợ khoản tiền vay của app trước đó. Túng quá nên chị L. làm liều tiếp tục vay.
Khi không trả được nợ, nhiều người vay bị các đối tượng cho vay biến thành người bị truy nã. |
“Tôi đã vay tiền qua các ứng dụng mà các đối tượng gởi để trả nợ vay trước. Mặc dù đã trả hơn 60 triệu đồng nhưng các đối tượng thông qua các app thông báo cho tôi biết tôi vẫn còn nợ hơn 40 triệu đồng. Bạn bè người thân của tôi liên tục bị các đối tượng gọi lại quấy nhiễu đòi nợ. Người thân của tôi bị chúng đe dọa nếu như tôi không thanh toán hết tiền nợ cho chúng!” - chị L. mệt mỏi cho hay.
Nhiều người vay tiền qua app khốn khổ vì phải chạy vạy để trả lãi, không những thế tiền bạc, nợ nần khiến gia đình họ rơi vào cảnh “cơm không lành canh không ngọt”, mâu thuẫn gia đình gay gắt khiến các nạn nhân bị trầm cảm, quẫn trí, nhiều người có ý định tự tử. Bị quấy rối liên tục, nhiều người tìm cách bỏ trốn, bỏ sim điện thoại. Người thân, bạn bè của họ lại bị quấy nhiễu một cách vô lối, dù họ không liên quan.
Không chỉ quấy nhiễu và đe dọa, các đối tượng cho vay còn ghép ảnh những người vay tiền, ghi những nội dung mạt sát rồi dán ở khu vực người vay đang sống hoặc đăng tải trên các trang mạng khiến người vay bị ảnh hưởng nặng về tâm lý, mất hết bạn bè, danh dự.
Có nhiều người phải bán hoặc cầm cố nhà cửa để trả nợ cho các app vay tiền trên nhưng dù đã trả hết nợ vẫn bị các app này đòi nợ một cách khó hiểu. Anh N.T.T. (nhà quận 6) cho biết, sau nhiều lần vay tiền qua các app, số tiền anh nợ trên 40 triệu đồng. Khi anh T. bị các đối tượng bêu rếu, bạn bè hiểu chuyện đã góp tiền lại cho anh mượn để trả dứt nợ.
5 đối tượng trong đường dây cho vay nặng lãi vừa bị Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh triệt phá. |
“Tưởng đã thoát ai ngờ các đối tượng vẫn liên tục nhắn tin đòi tiền, họ nói là tôi đã đăng ký vay lại. Tôi nói không hề vay tiếp, nếu vay thì gởi bằng chứng qua. Họ im lặng. Tuy vậy, tôi vẫn bị đòi nợ. Lúc thì app này nói tôi thiếu 2 triệu, app kia nói số tiền tôi trả vẫn còn lãi 3 triệu. Tôi chẳng có cách nào để xử lý. Họ làm như vậy suốt khiến tôi không có tâm trí nào để làm việc!” - anh T. than.
Trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều người rơi vào hoàn cảnh khó khăn nên trong lúc túng quẫn, cần xoay xở tiền nhanh để giải quyết việc cá nhân dễ vướng vào những lời chào mời cho vay tiền trên các trang mạng xã hội. Khi số tiền lãi từ khoản vay nhỏ nhanh chóng phình to theo cấp số nhân, người vay không còn khả năng chi trả, bản thân bị hăm dọa, những người liên quan cũng bị liên lụy thì chẳng khác nào những người vay tự biến cuộc đời mình thành bi kịch.
Rất nhiều đường dây cho vay bằng các app vay tiền nhanh bị triệt phá nhưng trên hệ thống internet, mạng xã hội vẫn còn đầy rẫy những app vay tiền với những lời quảng cáo thu hút những người đang rơi vào cảnh bí bách. Nhiều nạn nhân vay tiền ở các app này đã phải khổ sở vì mức phạt trả chậm lên đến 400 nghìn đồng/ngày. Có người còn bị cắt dán ảnh và bị bêu riếu.
Thượng tá Nguyễn Đăng Nam, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, phương thức chung của hoạt động cho vay thông qua app là giao dịch ngầm, sự thỏa thuận giữa con nợ và chủ nợ không được chứng thực. Những app cho vay tiền thường có một "ông chủ" đứng đằng sau điều hành. Khi người vay chậm trả nợ hoặc mất khả năng thanh toán, các "ông chủ" cho đòi nợ thông qua "lực lượng đòi nợ thuê" từ đó phát sinh các hành vi trái luật như đe dọa, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật...
Công an TP Hồ Chí Minh đang triển khai các các nhóm giải pháp xử lý đối với trường hợp tín dụng đen qua app ngay khi phát sinh việc cho vay không đúng quy định chứ không chờ phát sinh các hành vi phạm sau đó mới xử lý. Công an TP Hồ Chí Minh cũng khuyến cáo người dân cần thận trọng trước khi vay tiền qua các app vay tiền nhanh để không biến mình thành con nợ, tạo điều kiện cho các đối tượng thu lợi bất chính, gây mất an ninh trật tự. Khi phát hiện các vụ việc, băng nhóm nghi vấn liên quan hoạt động tín dụng đen cần báo Cơ quan công an.