- Những bệnh viện có nguy cơ cao
Bệnh viện (BV) Bạch Mai từng là ổ dịch COVID-19 ở giai đoạn 1 khiến cả bệnh viện phải phong tỏa, cách ly. Bước sang giai đoạn 2 khi lượng người từ Đà Nẵng về các Hà Nội và các tỉnh rất lớn, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 khi người dân tới khám chữa bệnh luôn thường trực.
Để phòng ngừa dịch bệnh có thể quay trở lại, bệnh viện đã phân luồng với bệnh nhân cấp cứu và bệnh nhân không cấp cứu để sàng lọc, phát hiện sớm ca bệnh. Bệnh viện bố trí khu vực khám ho, sốt riêng, để bắt buộc cách ly với ca bệnh nghi ngờ ngay. Ngoài ra, bệnh viện còn chuẩn bị 1,5 triệu khẩu trang y tế, 100.000 khẩu trang vải, 100.000 bộ phương tiện chống dịch, 150.000 lít dung dịch chống dịch rửa tay.
Bệnh viện K kiểm soát thân nhiệt cho người bệnh, người nhà bệnh nhân trước khi vào viện. |
Đối với những bệnh viện có nhiều bệnh nhân nền điều trị như Bệnh viện K, Bệnh viện Phổi Hà Nội, Bệnh viện Thận Hà Nội…, công tác phòng ngừa và thực hiện các tiêu chí an toàn chống dịch luôn phải gắt gao.
PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, các chốt sàng lọc của bệnh viện trực 24/24h, kiểm tra thân nhiệt và thông tin y tế, sàng lọc 100% người ra, vào bệnh viện, kể cả cán bộ y tế. Mỗi người bệnh đi cùng 1 người nhà, yêu cầu không vào thăm tại bệnh viện.
Tại các cơ sở của BV K, các biển bảng được đặt ngay ở vị trí cửa ra vào, phân luồng các hướng đi riêng cho người bệnh đến khám và người bệnh điều trị nội trú, cán bộ y tế, từ đó không có vị trí nào bị quá tải, tập trung đông người. Để đảm bảo an toàn, BV đã triển khai bố trí 2 phòng khám, cách ly riêng trên 2 container, được trang bị đầy đủ theo hướng dẫn Bộ Y tế. Trường hợp người đến BV có dấu hiệu nghi ngờ sẽ được hướng dẫn và đưa đến khu vực này.
Bệnh viện cũng đã lên phương án sẵn sàng để triển khai khám, thực hiện xét nghiệm, chụp chiếu riêng tại khu vực cách ly nếu người bệnh vừa có biểu hiện nghi ngờ về dịch bệnh, vừa có bệnh lý ung bướu. Khu vực dã chiến cũng đã bố trí sẵn sàng khi có tình huống xảy đến.
Phát hiện sớm, giúp bệnh viện an toàn
Trong những ngày qua, Đoàn kiểm tra số 1 của Bộ Y tế do PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Phó Trưởng tiểu ban Điều trị, là Trưởng đoàn đã đi kiểm tra tại nhiều bệnh viện ở phía Bắc về công tác kiểm soát lây nhiễm COVID-19. Tại Bệnh viện Phổi và Bệnh viện Thận Hà Nội, Đoàn đã kiểm tra các tiêu chí an toàn giúp chỉ ra cho bệnh viện những lỗ hổng để cải tiến và phòng ngừa, ngăn chặn, cách ly và chuyển bệnh nhân kịp thời, hiệu quả. Bởi bệnh nhân của 2 bệnh viện này đều là những người có nhiều nguy cơ, dễ tổn thương khi mắc COVID-19.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Bệnh viện Phổi Hà Nội. |
PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhắc nhở các bệnh viện phải quán triệt quan điểm: Phân luồng, cách ly bệnh nhân một cách hiệu quả, không để khu vực này tiến sâu trong bệnh viện để phòng ngừa lây nhiễm trong bệnh viện. Các bệnh viện phải thực hiện việc căng dây, biển báo dễ nhìn, dễ thấy để bệnh nhân không đi sai chỗ, lạc đường trong bệnh viện. Điều này rất quan trọng vì để ca bệnh đi sâu vào bệnh viện, rất dễ gây lây nhiễm.
BV Phổi Hà Nội hiện mỗi ngày khám cho trên 100 bệnh nhân. Bệnh viện cũng quản lý và điều trị bệnh nhân lao, bệnh nhân lao đa kháng,… luôn cần theo dõi và quản lý sát sao. BV Thận Hà Nội hiện quản lý 444 bệnh nhân chạy thận nhân tạo với nhiều bệnh nền như tim mạch, đái tháo đường, 517 bệnh nhân thận mạn. Trong khi đó, máy thận nhân tạo đa số là cũ, hiện tại có 77 máy phải hoạt động liên tục từ 3-4 ca/ngày.
Đoàn đã góp ý cho 2 bệnh viện về nội dung sàng lọc, cách ly và các biện pháp phòng ngừa, phòng ngừa lây nhiễm tại một số khu vực đông người, cũng như công tác quản lý an toàn người bệnh, người nhà người bệnh, quản lý an toàn nhân viên y tế và vấn đề vệ sinh y tế.
Kiểm tra tại BV Đa khoa Hà Nam, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh đã khuyến cáo: Bệnh viện là nơi ghi nhận và phát hiện COVID-19, vì vậy việc phát hiện sớm, phân luồng và cách ly người bệnh đóng vai trò quan trọng đối với sự an toàn của người bệnh. Bệnh viện càng nêu cao tinh thần chủ động, cảnh giác thì càng giảm bớt khó khăn.
“Chỉ cần một bệnh nhân nhiễm bệnh đi lung tung, không được kiểm soát trong bệnh viện là bệnh viện đã rơi vào nguy cơ phải đóng cửa. Mặt khác, các cán bộ y tế là những người không thể thay thế trong cuộc chiến chống COVID-19, nên các bệnh viện phải hết sức cảnh giác và tập trung chống dịch”, PGS Khuê nhấn mạnh. Ông lấy ví dụ tại Đà Nẵng, khi dịch vừa bắt đầu, đã có 4 bệnh viện phải đóng cửa, hơn 10 nhân viên y tế mắc COVID-19.
Bệnh viện Đa khoa Hà Nam đang điều trị cho 1 bệnh nhân COVID-19 (BN620), nhập viện ngày 2/8, bệnh nhân đã hết sốt, hết ho, không khó thở. Tuy nhiên, công tác phân luồng còn chưa khoa học, do vậy đoàn kiểm tra đã góp ý cho bệnh viện về phân luồng, cách ly người bệnh phải làm ngay từ khi bước chân vào bệnh viện. Khi người bệnh vào bệnh viện phải qua các cửa kiểm soát nghiêm ngặt. Đặc biệt là công tác nhiễm khuẩn, quản lý bệnh nhân COVID-19, phân loại bệnh nhân tại khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, rà soát các công ty cung cấp dịch vụ… phải được BV đặc biệt quan tâm và thực hiện nghiêm ngặt theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, các bệnh viện cần xác định dịch bệnh sẽ còn diễn biến kéo dài, do đó việc thực hiện trường kỳ công tác sàng lọc, cách ly để hạn chế tối thiểu tổn thất kinh tế cho bệnh viện phải làm nghiêm túc. Các bệnh viện phải rút bài học từ BV ĐK Hồng Ngọc, BV Bạch Mai, BV Thận Hà Nội… cho mình những kinh nghiệm để “không đi vào vết xe đổ”.
Cand.com.vn